Lao động
TP.HCM: Phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024
08:35 PM 08/05/2024
(LĐXH) - Sáng 8/5, tại Công ty Xăng dầu Khu vực II - TNHH MTV, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã long trọng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ thành phố phát biểu tại buổi lễ

Đến dự buổi buổi lễ có ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ thành phố; bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện và Thông tin ATVSLĐ (Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH); bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố; ông Võ Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Khu vực II – TNHH MTV. Buổi lễ còn có các thành viên Hội đồng ATVSLĐ thành phố cùng lãnh đạo, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ của các sở, ngành, quận/huyện, phố Thủ Đức và lãnh đạo, cán bộ phụ trách ATVSLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Chủ tịch Hội đồng ATVSLĐ thành phố cho biết, Tháng hành động ATVSLĐ năm 2024 sẽ diễn ra trên địa bàn thành phố từ ngày 1/5 đến ngày 31/5 với các hoạt động như: Tổ chức thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội; tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), sự cố để phòng tránh TNLĐ- BNN, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng…

Toàn cảnh lễ phát động

Dịp này, căn cứ vào điều kiện thực tế tại đơn vị, doanh nghiệp còn tổ chức các hoạt động mít tinh, diễn tập phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp tại các nơi có nhiều nguy cơ TNLĐ- BNN…; phát động phong trào thi đua, đề xuất tuyên truyền các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện…. Cùng với đó, tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về ATVSLĐ trong lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra TNLĐ-BNN, nhận diện mối nguy cơ rủi ro cao và đưa ra các biện pháp phòng ngừa TNLĐ – BNN…

Ông Dương Anh Đức đề nghị, các sở, ngành, các cấp chính quyền, cơ quan tổ chức; lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về ATVSLĐ; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác ATVSLĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và xã hội; bảo đảm tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động, người lao động và Nhà nước.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động…; đầu tư mạnh hơn cho công tác ATVSLĐ gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa TNLĐ- BNN đối với cả khu vực không có quan hệ lao động.

Song song đó, tổ chức các cuộc thanh tra, phối kết hợp giữa các sở, ban, ngành trong các hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSLĐ trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ TNLĐ- BNN như xây dựng, điện, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ.

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị, các cơ quan truyền thông, các báo, đài hoạt động trên địa bàn thành phố cùng góp sức thông tin, tuyên truyền rộng rãi về Thánh hành động ATVSLĐ đến mọi tầng lớp nhân dân lao động, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn cùng biết và hưởng ứng các hoạt động chung của thành phố vì mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. “Tôi tin tưởng với sự đoàn kết, phối hợp giữa các cấp chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đoàn thể, TP.HCM sẽ thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, ông Dương Anh Đức khẳng định.

Trước đó phát biểu tại biểu lễ, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, trong năm 2023 tổng số vụ TNLĐ đã xảy ra trên địa bàn TP.HCM là 703 vụ, giảm 12,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 44 vụ, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lượng Thị Tới cho biết, số vụ TNLĐ xảy ra trong năm 2023 chủ yếu tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó lĩnh vực sản xuất giày dép, chiếm tỷ lệ 21,62%, gia công sản xuất các sản phẩm bằng kim loại, chiếm tỉ lệ 13,08% và may mặc, chiếm 8,53%.

Qua công điều tra, các vụ TNLĐ chết người, tình hình TNLĐ nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ cao, làm tổn thất lớn về người và vật chất. Cụ thể, năm 2023 có 9/44 vụ TNLĐ chết người, chiếm tỉ lệ 20,45%. Tổng số tiền thiệt hại do TNLĐ (chưa bao gồm thiệt hại tài sản) là hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, chi phí y tế hơn 2 tỷ đồng, chi phí trả lương trong thời gian điều trị hơn 3 tỷ đồng, chi phí bồi thường trợ cấp hơn 11 tỷ đồng. Số ngày nghỉ do TNLĐ xảy ra trong cả năm 2023 được thống kê là 11.208 ngày.

Theo bà Lượng Thị Tới, mặc dù, các số liệu thống kê về TNLĐ năm 2023 đã giảm so với năm 2022. Tuy nhiên, so với cả nước thì TP.HCM cùng với Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai vẫn là một trong các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất. Thống kê, riêng đối với khu vực có quan hệ lao động tại TP.HCM số vụ TNLĐ chiếm 10,2% cả nước (703/6.879 vụ TNLĐ); số vụ TNLĐ chết người chiếm 8,74% cả nước (44/503 vụ TNLĐ chết người); số người chết vì TNLĐ chiếm 8,3% cả nước (44/530 người chết). Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân...

Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Khu vực II - TNHH MTV phát  biểu tại buổi  lễ

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, bà Lượng Thị Tới đề nghị, tất cả các cấp chính quyền thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố và người lao động cần quán triệt nghiêm túc các nhiệm vụ đề ra tại Chỉ thị số 29-CT/TW và Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, nhằm góp phần tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Đồng thời, bà Tới mong các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cùng cộng đồng doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi các quy định trong lĩnh vực ATVSLĐ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Các đại biểu chụp hình tại buổi Lễ phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 

Tại buổi lễ, thay mặt cho tập thể Công ty Xăng dầu Khu vực II nói riêng và các doanh nghiệp nói chung, ông Võ Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Khu vực II - TNHH MTV, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và Hội đồng ATVSLĐ thành phố. Đồng thời cam kết sẽ luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, không ngừng đầu tư hiện đại hóa, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tài sản, hàng hoá và con người trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu luôn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

 

Trương Đăng