Lao động
Tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cơ hội việc làm cho người lao động ở Ninh Thuận
09:48 PM 02/11/2023
(LĐXH) – Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Ninh Thuận đã tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề là 25.865 lượt người. Trong đó, tư vấn giới thiệu việc làm qua Sàn giao dịch việc làm, các Phiên giao dịch việc làm là 9.589/5.000 lượt người, so với kế hoạch đạt tỷ lệ 191,78%; tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 16.276/10.000 lượt người, so với kế hoạch đạt tỷ lệ 162,76%; phối hợp tạo nguồn để đưa người đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng là 48/150 người.

Ông Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Thuận cho biết, trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 18.730 người, trong đó có 7.965 lao động là DTTS (chiếm 42,53%), đưa 14 người là DTTS tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã cho vay 27,616 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 693/5.264 lao động là DTTS, chiếm tỷ lệ 13,17% trên tổng số lao động được giải quyết việc làm từ nguồn vốn này. Toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 10.803 người, riêng lao động DTTS là 4.320 người chiếm tỷ lệ 40%. Tính riêng 09 tháng đầu năm 2023, địa phương đã tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề là 25.865 lượt người. Trong đó: Tư vấn giới thiệu việc làm qua Sàn, các Phiên giao dịch việc làm là 9.589/5.000 lượt người, so với kế hoạch đạt tỷ lệ 191,78%; tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 16.276/10.000 lượt người, so với kế hoạch đạt tỷ lệ 162,76%; phối hợp tạo nguồn để đưa người đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng là 48/150 người. Những kết quả đáng mừng trên đã tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tạo việc làm mới những tháng còn lại của năm 2023.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại các phiên giao dịch việc làm

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu tỉnh Ninh Thuận đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo Bác Ái giảm từ 4 - 5%/năm. Để đạt được các chỉ tiêu này, toàn tỉnh sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; sử dụng vốn của Chương trình đúng mục đích và quy định. Tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung triển khai chương trình theo tinh thần xuyên suốt là hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với họ như sinh kế, học nghề, việc làm, có thu nhập ổn định – việc làm vẫn là chiều thiếu hụt lớn của người nghèo trên địa bàn Ninh Thuận.

Công tác đào tạo nghề cho lao động DTTS, miền núi đang từng bước phù hợp với nhu cầu việc làm của thị trường và năng lực của người lao động

Để tăng cơ hội có việc làm cho người lao động, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp trong giai đoạn hiện nay, bao gồm các nhóm giải pháp: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cũng theo ông Trần Đức Long, thực tế công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thấy cần thiết phải chú trọng mối quan hệ gắn kết giữa công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tăng cơ hội tìm kiếm việc làm bền vững cho người lao động; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề. Mặt khác, các trường học cần chủ động xây dựng mới, chỉnh sửa và cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo, trọng tâm là các ngành nghề khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao và chuyển đổi số.

Đăng Doanh