Lao động
Kiên Giang thực hiện hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ cho các đối tượng do ảnh hưởng Covid - 19
10:54 AM 27/08/2021
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Kiên Giang đã nỗ lực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai và bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận…
Kiên Giang chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19
Ngay từ trung tuần tháng 7/ 2021, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch  và Quyết định về thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Bên cạnh đó, ban hành văn bản gửi các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đôn đốc triển khai, lập dự toán, điều chuyển kinh phí…
Kết quả thực hiện, tổng kinh phí thực hiện đến ngày 26/8/2021 là: 111.755.082.634 đồng, cụ thể như sau:
- Chính sách số 1: Đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7/2021 cho 1.622 đơn vị sử dụng lao động với 50.385 người lao động, với tổng số tiền là 1.438.752.634 đồng.
- Chính sách số 2, số 3: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đã triển khai đến người sử dụng lao động, các địa phương đang tiếp nhận hồ sơ.
- Chính sách số 4, số 5, số 6, số 7: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã trình UBND tỉnh 90 đối tượng với số tiền 368.900.000 đồng (trong đó hỗ trợ bổ sung cho người lao động và trẻ em với số tiền 35.000.000 đồng); các địa phương đã tiếp nhận thẩm định 156 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của đối tượng.
- Chính sách số 8: Hỗ trợ đối với người phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, Ngành y tế đã triển khai nội dung hỗ trợ theo quy định đến các huyện, thành phố và các cơ sở điều trị, cách ly tập trung, đang tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
- Chính sách số 9: Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch.
+ Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: Đã chi hỗ trợ xong cho 18 đối tượng, với số tiền 66.780.000 đồng (hết đối tượng).
+ Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: Đã chi trả cho 27 đối tượng, với số tiền 100.170.000 đồng. Sở Du lịch đang tiếp nhận hồ sơ đối tượng còn lại.
- Chính sách số 10: Hỗ trợ Hộ kinh doanh, đã trình UBND tỉnh 622 hồ sơ với số tiền 1.866.000.000 đồng; các địa phương đã tiếp nhận 1.382 hồ sơ và đang thẩm định.
- Chính sách số 11: Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đã triển khai đến người sử dụng lao động: Đã giải ngân cho 2 doanh nghiệp với số tiền 172.480.000 đồng (vay để trả lương ngừng việc cho 37 người lao động).
- Chính sách số 12: Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Đến chiều ngày 25/8, 15/15 huyện, thành phố đã quyết định phê duyệt với tổng số 71.828 đối tượng với tổng số tiền 107.742.000.000 đồng, trong đó đã chi hỗ trợ 54.731 lao động với tổng số tiền 82.096.500.000 triệu đồng (đạt tỷ lệ 76 %).
+ Đối tượng bán vé số: các huyện, thành phố đã phê duyệt 8.719 người với tổng số tiền là 13.078.500.000 đồng; trong đó đã chi cho đối tượng là 8.282/8.719 người với tổng số tiền 12.423.000.000 đồng (đạt tỷ lệ 95%).
+ UBND cấp xã đã tiếp nhận hồ sơ của gần 44.728 người lao động tự do, đang xét đề nghị hỗ trợ.
Đại diện cơ quan chức năng trao tiền hỗ trợ cho người dân là lao động tự do (bán vé số dạo)
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc  do các địa phương đang thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh về áp dụng biện pháp cấp bách phòng chống dịch covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, cán bộ xã, phường hiện nay kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phòng chống dịch, tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân; hoặc có một số UBND phường bị phong tỏa, nên công tác triển khai chi trả cho đối tượng được hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra đối tượng được hỗ trợ hiện đang ở khu cách ly, phong tỏa nên chưa thể nhận tiền hỗ trợ…
Trao tiền hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh covid - 19 ở Kiên Giang
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ theo Ngị quyết 68 và Quyết định 23, Kiên Giang đã chủ động có những giải pháp đồng bộ, đồng thời cũng có một số kiến nghị, đề xuất, cụ thể là:
Với Trung ương:
1. Về đối tượng các chính sách thuộc Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021:
- Đề nghị bổ sung thêm đối tượng là hộ kinh doanh vào nhóm chính sách “Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương”, vì theo chính sách hiện tại thì người lao động làm việc trong Hộ kinh doanh là không được hỗ trợ, đồng thời người lao động này cũng không thuộc nhóm lao động tự do. Như vậy thiếu công bằng cho đối tượng này, mặc dù họ cũng đủ điều kiện về hợp đồng lao động, có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi cùng thực hiện phòng chống dịch bệnh.
- Tương tự, đề nghị bổ sung đối tượng người lao động thuộc hộ kinh doanh vào nhóm chính sách “Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, vì đối tượng này không khác gì đối với người lao động trong doanh nghiệp, họ vẫn có ký kết hợp đồng lao động, có tham gia BHXH bắt buộc và họ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi nghỉ việc theo yêu cầu phòng chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.
2. Xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Vì trong điều kiện bình thường, các nhóm đối tượng này đã gặp khó khăn, nay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, làm cho các đối tượng này càng khó khăn hơn trong cuộc sống, rất dễ rơi vào cảnh thiếu, đói.
Với UBND tỉnh:
1. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ và thực hiện chi hỗ trợ kịp thời.
2. UBND huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách chi hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng là F0, F1 tại khu điều trị, khu cách ly tập trung, cần quan tâm hơn nữa để chi hỗ trợ cho nhóm lao động tự do nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Nguyễn Hữu