Lao động
Đồng Nai: Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và một số kiến nghị
07:50 PM 28/08/2021
(LĐXH) - Đồng Nai là tỉnh trọng điểm khu vực phía Nam với trên 38.000 tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, tổng số lao động làm việc hơn 1,2 triệu người, thời gian qua đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động trên địa bàn. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được ban hành, tỉnh Đồng Nai đã triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để nhanh chóng hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng.
Triển khai đồng bộ 10/12 nhóm chính sách
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, chỉ 5 ngày sau khi Quyết định 23 được ban hành, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh; tiếp đó là Quyết định số 2949/QĐ-UBND ngày 26/8/2021 về việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Quyết định 2379/QĐ-UBND.
Hỗ trợ người lao động tự do theo Nghị quyết 68 tại TP Biên Hòa
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tính đến hết ngày 26/8/2021, Đồng Nai đã triển khai 10/12 chính theo Nghị quyết 68 với nhiều kết quả nổi bật:
Về chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,  BHXH tỉnh đã giảm mức đóng BHTN lao động và BNN cho 9.399 đơn vị và 650.392 người lao động với số tiền luỹ kế 51,319 tỷ đồng (100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ).
Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, theo đề nghị của doanh nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho 11 đơn vị và 1.666 người lao động với số tiền là 9,147 tỷ đồng.
Về hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19, BHXH tỉnh đã xác nhận danh sách tham gia BHXH theo đề nghị của các doanh nghiệp để thực hiện các chế độ đối với 184 đơn vị với 6.910 người lao động để doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền dự kiến 25,077 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 16 đơn vị sử dụng 124 người lao động với số tiền là 462,97 triệu đồng và đã thực hiện chi trả 10 đơn vị sử dụng 72 người với số tiền là 238,05 triệu đồng.
Về hỗ trợ người lao động ngừng việc, BHXH tỉnh đã xác nhận danh sách tham gia BHXH theo đề nghị của các doanh nghiệp để thực hiện các chế độ đối với 24 đơn vị và 3.214 người lao động để doanh nghiệp lập thủ tục đề nghị hỗ trợ người lao động ngừng việc với số tiền là 3,221 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 02 đơn vị sử dụng 34 người lao động với số tiền là 44 triệu đồng và đã thực hiện chi trả cho 01 đơn vị sử dụng 06 người với số tiền là 9 triệu đồng.
Về chính sách chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình UBND tỉnh phê duyệt cho 04 người với số tiền là 15,840 triệu đồng.
UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định hỗ trợ cho người lao động chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 02 người lao động với số tiền là 7,42 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế (F0 và F1), UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ cho 493 người cách ly y tế (F1) với số tiền là 555 triệu đồng, 212 người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) với số tiền là 284,56 triệu đồng và 03 trẻ em với số tiền là 3 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch: Đã thực hiện chi trả cho 09 người với số tiền là 33,39 triệu đồng.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, BHXH đã xác nhận danh sách tham gia BHXH theo đề nghị của các doanh nghiệp để thực hiện các chế độ đối 08 đơn vị và 594 người lao động để doanh nghiệp làm hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc với số tiền 2,746 tỷ đồng; 01 đơn vị và 44 người lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất với số tiền 194,48 trệu đồng
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc người lao động 03 doanh nghiệp có 102 người lao động với số tiền là 514,64 triệu đồng.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai giải ngân hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc người lao động của doanh nghiệp
Về hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù, Sở LĐTBXH thực hiện rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 74.355 người với số tiền là 111,532 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt cho 60.758 người với số tiền là 91,137 tỷ đồng và đã thực hiện chi trả cho 52.608 người với số tiền là 78,912 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 86,59%).
Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, bên cạnh những kết quả nêu trên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên địa bàn tỉnh cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thu nhập giảm sút nên đời sống vật chất và tinh thần của người lao động gặp nhiều khó khăn, người lao động có tâm lý lo lắng, hoang mang. Trong khi đó, nhiều người lao động có nhu cầu được hỗ trợ trở về địa phương nơi đăng ký thường trú. Tuy nhiên do dịch bệnh phức tạp tại các địa phương khác nhau, việc di chuyển giữa các tỉnh/thành phố gặp khó khăn nên việc hỗ trợ cho người lao động phụ thuộc vào thỏa thuận giữa tỉnh Đồng Nai và các địa phương tiếp nhận.
Ngoài ra, việc áp dụng Phương án “03 tại chỗ” giúp doanh nghiệp vừa ổn định việc sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên trong thời gian qua, khi thực hiện phương án “03 tại chỗ” nhiều doanh nghiệp xuất hiện các ca mắc nhiễm COVID-19. Ở trong môi trường tập trung đông người, người lao động ở lại có tiếp xúc gần nên khi xuất hiện các ca bệnh F0 tốc độ lây lan sẽ càng nhanh gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp và công tác phòng chống dịch không được đảm bảo.
Nhiều khu vực dân cư bị phong toả, cách ly y tế, toàn tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên việc đi lại của nhân dân nói chung và người lao động nói riêng găp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc đăng ký, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP; việc đăng ký giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng găp nhiều khó khăn… Đến nay vẫn còn 2 nhóm chính sách theo Nghị quyết 68 chưa triển khai được, đó là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Từ thực tế nêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị lên Chính phủ sửa đổi chính sách hỗ trợ người lao động nghỉ việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, khi người lao động đã nghỉ việc tại doanh nghiệp, việc xác định “doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 người lao động” là rất khó khăn và không có cơ sở đảm bảo do bộ phận thẩm định phải gọi điện đến từng doanh nghiệp để xác định để hỏi tình trạng hoạt động của doanh nghiệp ứng với thời hạn người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Thông tin trả lời của doanh nghiệp (qua điện thoại) chưa đủ cơ sở pháp lý để trả hồ sơ người lao động đặc biệt những trường hợp nộp qua cổng dịch vụ công quốc gia, thời hạn xử lý chỉ 03 ngày. Đồng thời theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thì ngày 05 và ngày 20 hàng tháng Trung tâm DVVL tổng hợp và trình hồ sơ (được hiểu là 15 ngày tổng hợp trình một lần), nhưng trên cổng dịch vụ công quốc gia cấu hình thời hạn tại Trung tâm là 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, như vậy là mâu thuẫn về quy trình và việc xử lý của Trung tâm sẽ rất khó khăn, đề nghị cần sửa đổi lại thời hạn này cho hợp lý.
Ngọc Minh Châu