Lao động
Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ 17: Ông Phạm Quang Thanh tái đắc cử Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội
04:53 PM 17/10/2023
(LĐXH)- Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội khóa XVII, ông Phạm Quang Thanh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội khóa XVI tiếp tục được tín nhiệm bầu là Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Sáng 17/10/2023, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tham dự Đại hội có ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và 550 đại biểu đại diện cho 664 nghìn đoàn viên công đoàn của Thủ đô. Đại hội vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo báo cáo tại Đại hội, nhiệm kỳ qua, nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được quan tâm, đầu tư nguồn lực. Các phong trào thi đua tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều cách làm mới, sáng tạo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Phạm Quang Thanh - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu tại Đại hội.

Trong nhiệm kỳ mới (2023-2028), Công đoàn thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hết nhiệm kỳ, toàn Thành phố có 1 triệu đoàn viên. Có 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn thương lượng, ký kết được thoả ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. Ba khâu đột phá được công đoàn Hà Nội đặt ra là: Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và thời giờ làm việc; Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn, ưu tiên lĩnh vực quản lý đoàn viên và tài chính công đoàn.
Sau 2 ngày làm việc (16 và 17/10/2023) với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã thành công tốt đẹp; hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Đại hội thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và của các cấp Công đoàn Thủ đô theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” và chủ đề “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập trung đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn  vững mạnh góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”.

Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đại hội đã sôi nổi thảo luận và thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2018 - 2023; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đại hội cũng đã thảo luận, tham gia ý kiến xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đại hội đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; các cấp ủy, chính quyền về những vấn đề có liên quan đến việc nâng cao hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn.
Đặc biệt, Đại hội đã phát huy tinh thần dân chủ, bầu ra Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa VII nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 58 ủy viên là những đồng chí có phẩm chất, năng lực, tâm huyết để gánh vác trọng trách do đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ và tổ chức Công đoànThủ đô giao phó. Đồng chí Phạm Quang Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI tiếp tục được tín nhiệm bầu là Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII. Các đồng chí: Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI; Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI; Nguyễn Huy Khánh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI tiếp tục được bầu là Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVII.
Toàn cảnh Đại hội
Biểu dương thành tích công đoàn Hà Nội đạt được trong nhiệm kỳ qua, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặt ra 4 nhiệm vụ cho Công đoàn Hà Nội trong nhiệm kỳ mới, trong đó nhấn mạnh: Công đoàn Hà Nội cần tiếp tục đổi mới và có các giải pháp hữu hiệu để thu hút, tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động, nhằm tăng về số lượng và nâng cao chất lượng đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở, nhất là khu vực ngoài nhà nước; Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, hiểu biết về quản lý kinh tế, kỹ năng đàm phán, thương lượng với chủ doanh nghiệp của cán bộ công đoàn… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa  và hội nhập quốc tế.
Tại Đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị: Công đoàn Hà Nội cần tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trong đó, tạo điều kiện cho đoàn viên, công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động. Trong đó, nhấn mạnh đến việc cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền các cấp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đồng hành với doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và sức mạnh tổng hợp dành cho hoạt động công đoàn, nhất là trong chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; tập trung giải quyết các nhu cầu thiết yếu như thiết chế văn hóa, thể thao, nơi khám, chữa bệnh rồi nhà trẻ cho con công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đoàn Chủ tịch điều hành ra mắt tại Đại hội.

Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Phạm Quang Thanh - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đánh giá: trong thời gian diễn ra Đại hội, với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, các đại biểu đã dân chủ thảo luận, nhất trí biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Các nội dung được thông qua tại Đại hội là những văn kiện quan trọng, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp Công đoàn Thành phố, là sự tổng kết thực tiễn hoạt động công đoàn trong những năm qua để tiếp tục đổi mới và phát triển trong 5 năm tới.
Cũng theo Chủ tịch Phạm Quang Thanh, thành công của Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các cấp Công đoàn từ cơ sở đến Thành phố trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực Đoàn Chủ tịch và các Ban, Tổ công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam; sự giúp đỡ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành Thành phố; sự động viên, khích lệ của các thế hệ cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ; sự đóng góp tâm huyết và trách nhiệm đối với Công đoàn, với người lao động của các đồng chí đại biểu dự Đại hội.
Những ngày Đại hội đã khép lại nhưng cũng bắt đầu mở ra một chặng đường mới - chặng đường phát triển đầy mạnh mẽ, đầy cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với các cấp Công đoàn, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô. Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, chắc chắn kết quả của Đại hội sẽ là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, động viên mỗi đoàn viên, CNVCLĐ và các cấp Công đoàn Thủ đô tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh./.
Thảo Lan