Lao động
Bình Phước thực hiện biện pháp “một cung đường hai địa điểm”
05:05 PM 28/08/2021
(LĐXH)- Để thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang thực hiện các biên pháp “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường hai địa điểm”, thực hiện test nhanh Covid 03 - 05 ngày/lần.
447 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có khoảng 3.600 doanh nghiệp, tổng số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là 133.722 người. Trong đó, số lao động trong khu công nghiệp là 72.485 người, số lao động ngoài khu công ngiệp là 61.237 người. Tổng số lao động các tỉnh khác đang làm việc tại tỉnh 30.087 người, chủ yếu là công nhân trong khu công nghiệp với 27.000 người và ngoài khu công nghiệp 3.087 người.
Ngoài ra, số lao động là người Bình Phước đang làm việc tại các tỉnh khác, chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai khoảng 80.000 người; trong đó có 35.000 người tham gia BHXH đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đến nay, toàn tỉnh có 447 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, với 55.840 lao động động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động; số lao động chấm dứt hợp đồng lao động gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 là 6.856 người, tăng 6% so cùng kỳ năm trước.

Kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xưởng sản xuất của Công ty liên doanh Medevice 3S tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Phước phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-CP từ ngày 19/7/2021 đến ngày 15/8/2021. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng để phòng chống dịch (hầu hết các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đều phải tạm ngưng hoạt động). Người lao động phi chính thức là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, đa số mất việc làm không có thu nhập.
Cuộc sống người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bị xáo trộn, như: thu nhập giảm, việc di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc bị hạn chế do thực hiện quy định Chỉ thị số 16/CT-TTg, phải thực hiện xét nghiệm định kỳ để sàng lọc. Người lao động lưu trú tại Công ty vẫn lo lắng về nguy cơ lây nhiễm (do tập trung đông người), điều kiện sinh hoạt, ăn ở có nơi vẫn còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, do phải xa gia đình đã tạo áp lực không ổn định tâm lý để làm việc của người lao động...
Tuy nhiên, để thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của địa phương, doanh nghiệp phải thực hiện các biên pháp “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường hai địa điểm”, thực hiện test nhanh Covid 03-05 ngày/lần.
Nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 68/CP
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, bà Huỳnh Thị Thùy Trang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Phước, cho biết: Ngày 12/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 239/KH-UBND về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 1848/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP.
“Trên cơ sở Kế hoạch, Quyết định của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Phước đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Ngoài ra, đơn vị còn thiết lập “đường dây nóng” kịp thời trả lời những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các chính sách…” - Giám đốc Huỳnh Thị Thùy Trang, thông tin.
Kết quả thực hiện chính sách tính đến ngày 27/8/2021, toàn tỉnh Bình Phước đã có 1.872 đơn vị được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tương ứng với 104.662 lao động được giảm mức đóng, tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022) trên 61,38 tỷ đồng. Số đơn vị được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong tháng 7 là 1.939 đơn vị, tương ứng 103.658 lao động, với số tiền giảm gần 3 tỷ đồng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã xác nhận danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 219 đơn vị, với 10.047 lao động. Hiện các doanh nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục hồ sơ gửi UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tổng hợp, xét duyệt gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 1.140 lao động, kinh phí gần 3,78 tỷ đồng. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách cho 378 lao động, kinh phí hơn 1,51 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ thêm 02 lao động đang mang thai, kinh phí 2.000.000 đồng; 133 lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi, kinh phí 133 triệu đồng.

Giám đốc Huỳnh Thị Thùy Trang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP

Về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xác nhận danh sách lao động ngừng việc cho 45 đơn vị, với 15.022 lao động. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt cho 16 lao động, kinh phí 20 triệu đồng. Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách cho 6 lao động, kinh phí 7 triệu đồng, trong đó hỗ trợ thêm 01 lao động đang nuôi con chưa đủ 06 tuổi.
Đối với chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận, thẩm định trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho 01 lao động với số tiền 4.710.000 đồng; hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt, hỗ trợ thêm 01 lao động đang nuôi 01 con chưa đủ 06 tuổi kinh phí 1.000.000 đồng.
Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thực hiện kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị của 28 người hoạt động nghệ thuật và 02 người là hướng dẫn viên du lịch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Thực hiện chính sách hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế theo quy định, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xét duyệt, thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt cho 1.902 người; hiện UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.044 người, kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho 61 trẻ em kinh phí 61 triệu đồng.
Bên cạnh đó, UBND các địa phương trong tỉnh cũng đã xét duyệt, thẩm định hỗ trợ 80 hộ kinh doanh, kinh phí 240 triệu đồng; hiện UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách cho 18 hộ, kinh phí 54 triệu đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tiếp nhận 03 hồ sơ người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn với số tiền 177,63 triệu đồng để để trả lương ngừng việc cho 33 lao động; 01 hồ sơ trả lương phục hồi sản xuất với số tiền gần 420 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 107 người lao động. Hiện đã giải ngân cho 03 người sử dụng lao động với số tiền 177,63 triệu đồng để trả lương cho 33 người lao động.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Phước đã tổ chức rà soát, thực hiện chi trả và lập danh sách phê duyệt hỗ 76.435 lao động tự do, kinh phí trên 76,5 tỷ đồng; trong đó, số đối tượng đã chi trả là 66.197 người, số tiền gần 64,572 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước còn quyết định hỗ trợ cho 304 người, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng cho người lao động, sinh viên Bình Phước có hoàn cảnh khó khăn ở tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; mức 700.000 đồng cho 9.215 người với số tiền hơn 6,45 tỷ đồng (đã có Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh cho 3 đợt 5.986 người với số tiền 4.190.200.000 đồng).
Theo Giám đốc Huỳnh Thị Thùy Trang, hiện nay, tỉnh Bình Phước còn 02 chính sách chưa phát sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP là hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Chí Tâm