Xã hội
Vốn tín dụng chính sách - “Bà đỡ” xóa nghèo cho người dân vùng khó ở Cao Bằng
06:39 PM 24/09/2021
Được hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân ở các vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã từng bước tìm được hướng đi để phát triển kinh tế, vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình vay vốn hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Hoàng Văn Quang ở huyện Bảo Lâm đã mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi bò vỗ béo, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Gia đình anh Hoàng Văn Quang, dân tộc Mông là một trong những hộ cận nghèo ở khu 4, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm. Năm 2013, thông qua Hội Nông dân, gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò về nuôi vỗ béo. Nhận thấy nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, gia đình anh Quang lại tiếp tục làm đơn vay tiếp 100 triệu đồng của chương trình vay vốn hộ cận nghèo để sửa sang chuồng trại, mua thêm 3 con bò để vỗ béo. Nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp với thời gian trả nợ dài giúp anh Quang thêm phần yên tâm mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, khu chuồng chăn nuôi đã phát triển lên thành đàn có 8 con trâu, bò. Nhờ cần cù, chịu khó, tháng 6/2021 vừa qua, anh Quang đã trả được số nợ 50 triệu đồng. Đời sống gia đình đã có thêm thu nhập ổn định, dần bước ra khỏi cái nghèo, con cái được đi học đầy đủ.
Bảo Lâm là huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%. Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã mang đến “cần câu” giúp cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện sinh kế. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2021, đã có hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt gần 64 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn huyện đạt trên 303 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 302,8 tỷ đồng, với 6.807 hộ tiếp cận nguồn vốn cho vay thông qua các chương trình như: cho vay giải quyết việc làm; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Nguồn vốn tín dụng chính sách hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã phủ kín 100% xóm, xã huyện Bảo Lâm. Đây là động lực để người dân đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tìm được hướng đi cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, người dân có kinh phí để trang trải các chi phí đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như chi phí học tập cho con em, xây nhà ở, công trình nước sạch để dần nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đặng Trung Hồng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm cho biết: “Trong thời gian qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai các chương trình tín dụng đến các hộ vay. Huyện Bảo Lâm thực hiện triển khai 14 chương trình cho vay, trong đó có 4 chương trình chiếm tỷ trọng lớn nhất là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động của đơn vị; triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn; tiếp tục xin thêm nguồn vốn từ cấp trên để đáp ứng nhu cầu cho người dân; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến bà con nhân dân, góp phần tạo lập nguồn vốn để người dân sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Tín dụng chính sách xã hội bao gồm một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững. Nếu như trước đây, số hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì nay đã dần có những sự thay đổi lớn về nhận thức. Nhiều hộ đã biết tính toán đầu tư để đồng vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là “bà đỡ” giúp người dân vùng khó thoát nghèo và thay đổi cuộc sống./.
Linh Kiều