Lao động
Tính tới giữa tháng 4/2020: Gần 5 triệu lao động tạm nghỉ, mất việc làm vì dịch Covid-19
11:59 PM 25/04/2020
Tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, tạm nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Số lao động thất nghiệp trong quý 1 năm nay khoảng 1,1 triệu người, tăng nhanh so với quý trước.
Đó là những con số được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý 1-2020, ngày 24-4 tại Hà Nội.
 
Người lao động đến đăng ký thất nghiệp gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Gần nửa triệu thanh niên thất nghiệp
Trình bày báo cáo tổng quan về lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020, bà Vũ Thị Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) - cho biết tình hình lao động việc làm có nhiều biến động.
Các chỉ số lao động việc làm phản ánh sự sụt giảm của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên cũng ở mức cao nhất trong 5 năm qua. Dịch COVID-19 xuất hiện tại từ cuối tháng 1 năm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động.
Tính đến hết quý 1-2020, cả nước có khoảng 48,9 triệu lao động trong độ tuổi, nếu tính lao động từ 15 tuổi trở lên thì số lao động cả nước khoảng 55,3 triệu người.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đang ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm, với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, thấp hơn 1,2 - 1,3% so với quý trước và cùng kỳ các năm. 
Số lao động thất nghiệp trong quý 1 năm nay khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26 ngàn người so với quý trước.
Tỉ lệ lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý 1 tăng 2,22%, trong đó khu vực thành thị tăng 3,18%, khu vực nông thôn tăng 1,73% so với quý trước.
Đáng lưu ý, số thanh niên thất nghiệp (tuổi từ 15-24) gần 493 ngàn người, chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp.
Số thanh niên thất nghiệp theo đánh giá của Tổng cục Thống kê cao gấp 5,4 lần so với tỉ lệ thất nghiệp của lao động trưởng thành (người từ 25 tuổi trở lên). Số thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo khoảng 1,47 triệu người.
Cũng theo Tổng cục Thông kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I năm nay đạt 6,2 triệu đồng, trong đó lao động nam có thu nhập bình quân đầu người 7,1 triệu đồng/tháng, cao hơn lao động nữ bình quân khoảng 5,1 triệu đồng/tháng.
Xét theo khu vực, khu vực thành thị có thu nhập bình quân đầu người 8,2 triệu đồng/tháng, trong khi khu vực nông thôn chỉ đạt 5,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tốc độ tang thu nhập của người lao động quý I so với cùng kỳ năm trước thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập của năm trước (tương ứng là 8,3% so với 19,4%).
Lao động ngành công nghiệp chế biến chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhiều nhất
Gần 5 triệu lao động bị mất việc, tạm nghỉ việc, giãn việc
Kết quả khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kế tại 131 ngàn doanh nghiệp trên cả nước và báo cáo của 59 tỉnh, thành về ảnh hưởng của dịch COVID-19 ghi nhận, tính đến giữa tháng 4-2020 có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do bị ảnh hưởng với Covid-19.
Trong số gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có 59% tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên và 13% là mất việc.
Trong đó, số lao động bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,2 triệu người, thứ hai là ngành ngành bán buôn, bán lẻ khoảng 1,1 triệu người, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống khoảng 740 ngàn người.
Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Và trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp quy mô lớn, quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Trong 4 tháng qua, có 67% doanh nghiệp cho biết đã thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ không lương, giảm lương lao động.
Bên cạnh đó, có gần 40% doanh nghiệp thực hiện giãn việc, nghỉ luân phiên, 28% doanh nghiệp cắt giảm lao động. Trong khi chỉ có 5,3% số doanh nghiệp thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho lao động.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, tình hình lao động việc làm 4 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố như thay đổi chính sách quản lý rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra sự khủng hoảng về y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động trên toàn cầu.
"Tại Việt Nam, dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 1 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động dẫn đến tình trạng tham gia thị trường lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch"- bà Thủy cho hay.
Tổng cục Thống kê dự báo, với tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh và người lao động, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Cơ quan này cho rằng, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng./.
PV