Lao động
Thúc đẩy vai trò quan trọng của truyền thông để đưa Luật Việc làm đi vào cuộc sống
04:35 PM 21/05/2018
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Việc làm để mọi người lao động, người sử dụng lao động cũng như các cơ quan, tổ chức nhận thức, hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động, ngày 16 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật việc làm (Luật số 38/2013/QH13).
Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước số 122 của Tổ chức lao động quốc tế về chính sách việc làm, quyết tâm phấn đấu giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.
Luật việc làm bao gồm 07 Chương và 62 Điều điều chỉnh 05 nhóm vấn đề lớn: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp.
Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Việc làm, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ  ban hành 02 Quyết định, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành 08 Thông tư và 01 Thông tư liên tịch; ngoài ra còn có 02 Nghị định được ban hành theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 (Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23/5/2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm).
Người lao động tìm hiểu thông tin và đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương
Theo ông Vũ Phạm Dũng Hà, Cục Việc làm, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa hiện nay, là khâu then chốt, quan trọng để chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.  Luật việc làm năm 2013 là một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, điều chỉnh mọi người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền Luật việc làm để mọi người lao động, người sử dụng lao động cũng như các cơ quan, tổ chức nhận thức, hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, công tác tuyên truyền cần triển khai thực hiện như sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Luật việc làm: xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế; tích cực, chủ động rà soát các văn bản hướng dẫn Luật nhằm phát hiện những bất cập, để kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản có nội dung không còn phù hợp; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến Luật; đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền như tờ rơi, áp phích, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; các cuộc thi, tìm hiểu…
Thứ hai, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Luật việc làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xác định đây là lực lượng nòng cốt, quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật, hướng tới đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm tại hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm để thông tin, tư vấn hiệu quả cho người lao động, doanh nghiệp. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, pháp luật có liên quan để đội ngũ báo cáo viên nắm chắc Luật, kết hợp với  phong tục, tập quán, ngôn ngữ, lễ nghi tôn giáo … của người dân địa phương, từ đó, chủ động, sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến chính sách.
Thứ ba, “hiện đại hóa” công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phổ biến thông tin từ báo đài, truyền thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội … nhằm đưa thông tin chính xác, đầy đủ, lan rộng đến mọi đối tượng lao động và tăng cường tính lan tỏa của thông tin chính sách việc làm, nhất là đối với lao động là thanh niên, góp phần nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, chủ động trong tìm kiếm cơ hội việc làm.
Thứ tư, đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc. Đồng thời, chủ động lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền Luật việc làm và các văn bản hướng dẫn trong tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; kết hợp phổ biến, tuyên truyền các chính sách trong Luật việc làm cho lao động tại các khu công nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông qua các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới các đối tượng lao động phù hợp tại địa phương và lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số./.
Mỹ Hạnh