Giáo dục - Nghề nghiệp
Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn
07:23 PM 26/02/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa tập trung thực hiện Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc hộ nghèo.

Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn đang tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng công tác dạy nghề

Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển Trung ương phân bổ thực hiện Tiểu dự án năm 2022 và 2023 là 99.410 triệu đồng. Trong đó, năm 2022 là 29.823 triệu đồng; năm 2023 là 23.197 triệu đồng. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ để thực hiện dự án Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn là 57.500 triệu đồng (giao năm 2022 là 5.000 triệu đồng), Trường Trung cấp nghề Nga Sơn 41.910 triệu đồng (giao năm 2022 là 24.823 triệu đồng, năm 2023 là 10.000 triệu đồng) để thực hiện xây dựng, nâng cấp, cải tạo phòng học, nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị. Vốn phân bổ sự nghiệp là 91.432 triệu đồng, trong đó năm 2021 là 18.000 triệu đồng; năm 2022 là 27.886 triệu đồng; năm 2023 là 45.546 triệu đồng. HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao 100% vốn cho các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện.
Tính đến hết năm 2023, đối với các dự án đầu tư: (i) Dự án Trường Trung cấp nghề Nga Sơn đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án và giao chi tiết vốn năm 2022 (24.823 triệu đồng) và năm 2023 (10.000 triệu đồng) đã giải ngân được 6.788 triệu đồng, đạt 19,5%. (ii) Dự án Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn đã được cấp có thẩm quyền giao đất, bàn giao tài sản. Tuy nhiên, chưa có quy hoạch được duyệt nên dự án chưa được triển khai thực hiện.
Đối với các hoạt động sử dụng kinh phí sự nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, nhà giáo; nâng cao năng lực cho học sinh, sinh viên kiến thức khởi sự doanh nghiệp; tổ chức ngày hội tư vấn việc làm; điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo; tổ chức các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
UBND các huyện đã thực hiện giao nhiệm vụ cho các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện; đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức dạy nghề cho lao động; chỉ đạo các Trung tâm GDNN-GDTX, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, các phòng chuyên môn khảo sát, lập dự án mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, cải tạo các Trung tâm GDNN-GDTX theo kinh phí được cấp (các cơ sở mua sắm thiết bị, tổ chức đào tạo nghề; UBND các huyện tổ chức đặt hàng đào tạo nghề khoảng 93 lớp cho trên 3.000 lao động tham gia học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng).
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (34 cơ sở) hiện nay đang triển hoạt động cải tạo, mua sắm trang thiết bị đào tạo theo Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 (kinh phí 8.412 triệu đồng) và Quyết định số 2464/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 (kinh phí 2.220 triệu đồng) của Chủ tịch UBND tỉnh. Cụ thể: (1) Các Trung tâm GDNN-GDTX, tổng vốn phân bổ cho 24 Trung tâm GDNN-GDTX là 7.366 triệu đồng. 12 Trung tâm thực hiện mở các lớp đào tạo nghề và mua sắm thiết bị; (2) Các đơn vị chưa triển khai (12 trung tâm liên quan đến mua sắm thiết bị); (3) Các trường cao đẳng, trung cấp được phân bổ là 3.788 triệu đồng cho 10 trường.
Về tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp trung ương giao năm 2021, tính đến 31/12/2023 đã giải ngân là 18.000 triệu đồng, đạt 100%; vốn năm 2022 và năm 2023 của UBND các huyện giải ngân được khoảng 9.169 triệu đồng, đạt 12,4%; 12 Trung tâm GDNN-GDTX tính đến hết 31/12/2023 giải ngân được 3.752 triệu đồng vốn năm 2022; UBND các huyện tổ chức đặt hàng đào tạo nghề khoảng 93 lớp cho trên 3.000 lao động tham gia học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng).  
Theo đánh giá chung, việc thực hiện Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Trung ương chưa quy định rõ tiêu chí xác định “người có thu nhập thấp”; Trung tâm GDNN-GDTX mặc dù đã được phân bổ vốn nhưng chưa được bổ sung là đối tượng thực hiện của Chương trình (nên chưa giải ngân được kinh phí hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị). Một số địa phương, Trung tâm GDNN-GDTX chưa hoặc chậm tổ chức thực hiện các hoạt động dạy nghề; đặt hàng dạy nghề; lập dự án mua sắm trang thiết bị, sửa chữa cơ sở vật chất theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở khu vực thành thị và các huyện đồng bằng, ven biển chủ yếu là đối tượng bảo trợ xã hội, ít có khả năng lao động, ít có nhu cầu đăng ký học nghề nên rất khó tổ chức các lớp dạy nghề.
Thêm nữa, đơn giá dạy nghề do UBND tỉnh ban hành áp dụng cho các cơ sở dạy nghề thấp hơn so quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC, khó đủ bù đắp chi phí dạy nghề, hạn chế nhu cầu giao nhiệm vụ, đặt hàng trong dạy nghề; Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, năng lực của các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện (đặc biệt là các huyện nghèo) không đáp ứng được nhu cầu dạy nghề; Một số địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao kinh phí nhưng chậm triển khai thực hiện, lúng túng trong việc việc lập dự án, danh mục mua sắm trang thiết bị dạy nghề; Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn chưa đủ điều kiện để xây dựng, phê duyệt dự án, lúng túng, khó khăn trong việc được giao đất, quy hoạch đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao chi tiết vốn./.
Hồng Phượng