Sức khỏe - Đời sống
Tăng cường sự tham gia của mạng lưới cộng đồng phòng chống lao
02:03 PM 20/10/2023
(LĐXH)- Chữa lao hiệu quả đòi hỏi tuân thủ đúng-đủ-đều trong suốt thời gian dài điều trị. Chính vì vậy, sự tham gia, góp sức của mạng lưới cộng đồng phòng chống lao đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ điều trị và tuân thủ điều trị, động viên tinh thần, tư vấn giải đáp khó khăn, hỗ trợ về mặt xã hội,… cho người bệnh, đặc biệt với người có di biến động, có hoàn cảnh khó khăn.
Những người đồng hành cùng bệnh nhân lao
Là y sĩ chuyên trách lao của Trung tâm Y tế huyện Krong Pa nên anh Ksor Đhun thường xuyên xuống các buôn, xã để khám lao cho bà con. Dù công việc vất vả, nhiều lúc còn bị người dân xa lánh thậm chí xua đuổi vì coi đó là căn bệnh đáng sợ. Tuy nhiên sinh ra và lớn lên ở vùng nghèo khó, anh Ksor Đhun thấu hiểu được những thiệt thòi mà người dân nghèo quê mình. Chính vì vậy, công việc nhiều vất vả nhưng anh vẫn bền bỉ tăng cường truyền thông, quản lý hỗ trợ bệnh nhân lao tuân thủ phác đồ điều trị trong quá trình điều trị bệnh lao.
“Cuộc sống người dân nơi đây nghèo và thiếu thốn. Việc đi khám sàng lọc lao là điều rất xa xỉ. Vì thế khi có dự án hỗ trợ từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai khám sàng lọc lao cho bà con Krông Pa, chúng tôi đã làm việc với Trạm y tế các xã có trong dự án được sàng lọc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đi khám sàng lọc. Việc phát hiện chủ động sớm lao có ý nghĩa rất lớn, nhất là với những bà con nghèo”, anh Ksor Dhun chia sẻ.

Chị Thu Hương vận động bà con đi sàng lọc chủ động lao

Không chỉ vận động người dân đến khám sàng lọc, anh Ksor Đhun tận tình hỗ trợ, “đốc thúc” người dân uống thuốc đúng như phác đồ. “Lao không phải là căn bệnh đáng sợ vì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Nhưngnếu không tuân thủ phác đồ điều trị thì nó để lại hậu quả rất nặng nề với sức khỏe thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, sau khi sàng lọc phát hiện ra bệnh nhân lao tôi phải về tận nhà bệnh nhân để kiểm tra cũng như nhắc bệnh nhân. Địa hình ở đây phức tạp, mỗi lần đi là cả trăm cây số nhiều khi cũng rất mệt nhưng vì nghĩ nếu không đến bà con bỏ thuốc, bệnh sẽ nặng và lây cho cộng đồng thế nên lại cố gắng đi”, anh Ksor Dhun chia sẻ.
Góp phần thay đổi nhận thức người dân
Tuổi đời khá trẻ, không phải là y sỹ chỉ là cán bộ chuyên viên phụ trách chương trình sàng lọc lao cộng đồng tại Gia Lai, thuộc SCDI nhưng Thu Hương từ lâu đã trở thành người bạn tin cậy của bà con Gia Lai.
Hương cho biết, sàng lọc lao trong cộng đồng cho thấy vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng và lao kháng thuốc vẫn còn là vấn đề khó khăn trong công tác phòng, chống lao tại tỉnh Gia Lai. Khó khăn đến từ điều kiện kinh tế đến nhận thức. Đa phần người dân nhìn nhận về bệnh lao vẫn còn khá mơ hồ, chính vì vậy dù chúng tôi tiến hành khám sàng lọc miễn phí và về tận cơ sở nhưng để bà con đến khám sàng lọc cũng không hề dễ.
Y sĩ Ksor Đhun tư vấn cho bà con về bệnh lao
Để có thể huy động được gần 300 người dân xã Phú Cần, Krong Pa đến khám sàng lọc lưu động do SCDI phối hợp với bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai tổ chức , Hương cho biết trước đó cô đã cùng Trạm y tế xã và các thành viên mạng lưới đi vận động, tuyên truyền hơn 1 tháng để người dân thấy được tầm quan trọng của việc khám sàng lọc lao chủ động.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với Trung tâm Y tế, Trạm y tế để làm sao mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quan tâm hơn nữa công tác dự phòng, điều trị, có như thế thì mới cắt đứt được nguồn lây. Nâng cao nhận thức cho người dân là khâu quan trọng, nếu mình có đem máy móc, trang thiết bị hiện đại mà dân không đến với mình thì cũng khó. Dân đến với mình thì dân phải nhận thức được tác hại của bệnh thì họ mới đến”, chị Hương cho hay.
Sau gần 6 tháng điều trị tích cực, chị Ksor H’Chuyên (sinh năm 1973, buôn Tang, xã Phú Cần) rất vui vẻ khi chia sẻ về bệnh tình của mình. Đầu năm dự án cũng đã về đây khám sàng lọc cho bà con, trong lần đó tôi phát hiện mình mắc lao. Được các bác sỹ và trạm y tế xã hỗ trợ thì sức khỏe của tôi dần ổn định sau 2 tháng điều trị. Bước sang tháng thứ 3 tôi có thể đi làm nương bình thường nhưng vẫn tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Hôm nay biết có đoàn bác sỹ về khám lưu động miễn phí tôi đến để kiểm tra. Kết quả là tôi đã hoàn toàn khỏe mạnh.
“Trước tôi không biết bệnh lao thế nào nên khi nghe về bệnh lao sợ lắm. Cũng may có sự động viên tuyên truyền của Hương tôi hiểu bệnh lao không hề đáng sợ. Vì thế tôi đã đi điều trị tích cực tại bệnh viện. Giờ bệnh đã khỏe hoàn toàn tôi cũng tích cực vận động, tuyên truyền để bà con trong buôn đi khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao”, chị Ksor H’Chuyên phấn khởi chia sẻ./.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng tổ chức 30 cuộc sàng lọc lao miễn phí cộng đồng tại 26 xã của 03 huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Pa của tỉnh Gia Lai, trong đó, huyện Krông Pa được thực hiện toàn huyện. Trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, SCDI phối hợp cùng y tế huyện Krông Pa tổ chức 32 cuộc sàng lọc cộng đồng cho hơn 9.500 người dân, giúp phát hiện 112 ca mắc lao và 113 trường hợp lao tiềm ẩn.

 

Mỹ Linh