Giáo dục - Nghề nghiệp
Ninh Bình tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn
03:22 PM 23/01/2024
(LĐXH)- Trong 3 năm gần đây, tỉnh Ninh Bình tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn được 9.327 người ở trình độ cao đẳng, trung cấp.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 27 cơ sở GDNN, trong đó có 04 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN và 08 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN (chia theo hình thức sở hữu có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục).
Trong đó có 02 trường chất lượng cao là trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô và Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trường Cao đẳng nghề LiLaMa 1 thuộc Bộ Xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục bàn giao về UBND tỉnh quản lý theo Quyết định số 996/QĐ-TTg.
Tỉnh Ninh Bình có 23 nghề trọng điểm được Bộ LĐTB&XH phê duyệt (tại Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019) bao gồm: 06 nghề cấp độ quốc tế, 07 nghề cấp độ khu vực ASEAN, 10 nghề cấp độ quốc gia, tập trung ở các ngành: Công nghệ ô tô, Chế tạo thiết bị cơ khí, Hàn, Kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Vận hành máy thi công nền, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật chế biến món ăn, Hướng dẫn du lịch, Công nghệ thông tin, Vận hành máy nông nghiệp, May thời trang.
Các em học sinh tham gia trải nghiệm nghề Kỹ thuật chế biến món ăn
Năm 2023, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 07/8/2023 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí Thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 63/2023/QĐ-UBND ngày 5/10/2023 phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh giao Sở LĐTB&XH tăng cường chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn giới thiệu việc làm gắn với đào tạo nghề; giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố bảo đảm công tác tạo việc làm, đào tạo nghề.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn, các cuộc tọa đàm về công tác GDNN. Trong đó, gặp gỡ tư vấn trực tiếp về công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho 2.250 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương.
Hàng năm, tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh và Kỳ thi Kỹ năng nghề góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của GDNN đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2023, toàn tỉnh tuyển sinh 18.105 người (trong đó hệ cao đẳng và trung cấp 5.480 người, hệ sơ cấp và dưới 3 tháng 12.625 người); tốt nghiệp 17.605 người (trong đó hệ cao đẳng và trung cấp 4.980 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 12.625 người (vượt 0,6% kế hoạch năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%. Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp có việc làm tại doanh nghiệp bình quân hàng năm đạt 90%.
Trong 3 năm gần đây, tỉnh Ninh Bình tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn được 9.327 người ở trình độ cao đẳng, trung cấp. Cụ thể: Nhóm nghề khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân: 2.266 người; nhóm nghề công nghệ ô tô: 2.070 người; nhóm nghề Kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, hàn, kỹ thuật điện, điện tử, điện công nghiệp, vận hành máy công nghiệp, máy xây dựng: 4.991 người.
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết:Thời gian tới, ngành LĐTB&XH tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng; thúc đẩy phát triển các cơ sở có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung thu hút mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành kinh tế mũi nhọn có thế mạnh, các nhóm ngành nghề đang phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn, phục vụ cho sự phát triển công nghiệp./.
Hồng Minh