Nhân rộng nhiều gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước
02:08 PM 17/11/2020
(LĐXH) – Trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả 04 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, bao gồm: Phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua sôi nổi của Ngành đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ như: Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ khuyết tật, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; Trường Đại học Lao động - Xã hội; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất; Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II; Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành...
Các đại biểu tham dự hội nghị
Đặc biệt trong khối thi đua các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ có tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, 10 năm qua (2009 - 2019) liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng 09 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ, 03 Cờ thi đua của Chính phủ và 03 Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; là tập thể điển hình, tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2015 - 2020. Từ ngày thành lập đến nay, toàn hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động hơn 6.700 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 30 triệu lượt trẻ em. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Quỹ luôn là những người “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” và luôn “Giữ vững kỷ cương - Tăng cường trách nhiệm - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, hợp tác” hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2020, Quỹ vinh dự được Bộ trình Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tập thể Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là đơn vị công lập đầu tiên nghiên cứu, tiếp nhận can thiệp trẻ tự kỷ. Tổng số trẻ tự kỷ đến khám tại trung tâm mỗi năm trên 200 cháu; Định kỳ hàng tháng trung tâm tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên trong khoa, phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức 9 lớp tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ. Duy trì 08 lớp học nghề truyền thống với trên 70 học sinh theo học các nghề: May, Thêu, Đan, Handmade, tin học, hoa lụa, sản xuất hương thơm, tranh đá quý, tranh bút lửa. Mỗi năm có hàng ngàn sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường; các sản phẩm thường xuyên có mặt tại hệ thống siêu thị Lan Chi. Góp phần tạo việc làm cho 30 người khuyết tật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương như Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, 5 năm qua đều là những tập thể tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác, điển hình như:
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã tham mưu cho cấp uỷ chính quyền kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bến Tre; Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đã thành lập Ban Hỗ trợ sinh kế; 09/09 huyện, thành phố và 164 xã, phường, thị trấn đều phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo và các hội, đoàn thể theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và hướng dẫn cách thức làm ăn cho hộ nghèo. Lập Đề án phát triển đa dạng sinh kế, triển khai đến 15.897 hộ/61.227 hộ (chiếm 25,96%) đăng ký tham gia; toàn tỉnh có 9.337 hộ được hỗ trợ phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất nông nghiệp; 3.438 hộ sản xuất phi nông nghiệp, trong đó có 549 lao động tham gia khởi nghiệp bằng con đường xuất khẩu lao động. Qua rà soát hộ nghèo cuối năm 2019, có 12.697 hộ tham gia Đề án sinh kế được thoát nghèo, trong đó 9.299 hộ thoát nghèo bền vững theo 03 tiêu chí (thỏa mãn các nhu cầu cơ bản theo tiêu chí đa chiều; thu nhập tăng và duy trì ở mức trung bình trở lên; thoát nghèo bền vững và không tái nghèo). Đề án phát triển đa dạng sinh kế của Sở đã khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo hỗ trợ cho họ “Cần câu” và hướng dẫn họ cách “Câu cá” để sinh kế lâu dài. Phòng Bảo trợ xã hội; Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội của Sở đã tích cực tham mưu xây dựng Đề án, triển khai kế hoạch, phát động thi đua và theo dõi tình hình thực hiện, đề xuất khen thưởng và nhân rộng cách mô hình mới về thực hiện Đề án sinh kế giảm nghèo; về hộ thoát nghèo, điển hình có hộ Nguyễn Thị Thơm, xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam. Gia đình có 5 nhân khẩu, với 500 mét vuông đất. Từ 50 triệu đồng được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đã mua máy may về may hàng gia công, sau 02 năm tự nguyện viết đơn thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, mua thêm nhiều máy may và tạo việc làm cho trên 10 chị em trong xã, giúp cho 02 hộ nghèo thoát nghèo.
Ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTE Việt Nam phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
Bên cạnh các tập thể điển hình tiên tiến, trong các phong trào thi đua yêu nước của Ngành còn xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc, nổi bật, thực sự là những đóa hoa tươi thắm trong vườn hoa muôn sắc, màu của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, điển hình như thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, người đã có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần. Ông đã chủ trì nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp Bộ như đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện quy trình điều trị, phục hồi chức năng và tái hòa nhập cộng đồng cho người tâm thần mãn tính tại các trung tâm”; đề tài “Các giải pháp để phát triển các hoạt động dịch vụ trong trung tâm Điều dưỡng tâm thần mãn tính thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội”. Gần 30 năm gắn bó với nghề y ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, không ngại khó, ngại khổ chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông đã mạnh dạn thí điểm và mở rộng mô hình điều trị theo yêu cầu. Những trường hợp bệnh nặng hoặc gia đình có nhu cầu sẽ được quản lý, điều trị nội trú, còn các trường hợp bệnh nhẹ hơn có thể đến khám, tư vấn, mua thuốc về điều trị ngoại trú.
Giai đoạn 2013 - 2017, đơn vị đã điều trị luân phiên nội trú cho 587 lượt, khám, tư vấn, điều trị ngoại trú cho 2.310 lượt, thu sự nghiệp đạt 9.284 triệu đồng, đã nộp thuế cho Nhà nước 199 triệu đồng.
Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm đơn vị đã điều trị luân phiên nội trú cho gần 200 lượt với trên 40.000 ngày điều trị, khám, tư vấn, điều trị ngoại trú cho 952 lượt, thu sự nghiệp đạt 3.805 triệu đồng, đã nộp thuế cho Nhà nước 76 triệu đồng, tăng 28,8% so với năm trước. Kết quả đã có gần 800 lượt bệnh nhân điều trị nội trú ổn định, về tái hòa nhập với cộng đồng, trong đó nhiều trường hợp có thể tiếp tục đi học, đi làm hoặc xây dựng gia đình.
Với những thành tích đã đạt được từ 2010 đến nay ông đã 02 lần được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, 05 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (2011); được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2018). Năm 2019 ông đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Bà Trần Cẩm Nhung, Uỷ viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, đã có sáng kiến tặng 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa “Tấm lòng tri ân” dành cho những người có công với cách mạng và thân nhân của họ trao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Bà đã thành lập quỹ Khuyến học, khuyến tài tại tỉnh Đồng Nai mang tên “Chắp cánh ước mơ” với số tiền là 20 tỷ đồng giúp học sinh, sinh viên là con cháu trực hệ thương binh, liệt sĩ của tỉnh Đồng Nai. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam số tiền 40 tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp đỡ, chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm gần đây (2017 - 2019), bà đã đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa hơn 125 tỷ đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hôi tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, có trên 30 năm công tác trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đã tích cực tham mưu cho Bộ những chủ trương, chính sách lớn về quan hệ quốc tế với các đối tác đa phương, song phương, ASEAN, phi chính phủ và các giải pháp tăng cường sự hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ông đã có những đóng góp trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CTTPP) trong các vấn đề về kỹ thuật từ tháng 5/2012 đến ngày 23/01/2018 góp phần không nhỏ vào việc phê chuẩn Hiệp định TPP; đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động cho tương thích với cam kết quốc tế tại Việt Nam, bao gồm các cam kết trong CPTPP và EVFTA. Ngoài ra còn tham gia nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn công ước 98 của ILO.
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng (ngoài cùng bên trái)
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã cùng với tập thể Ban Giám đốc Sở tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen do có thành tích tham gia kháng chiến và đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí trợ cấp một lần cho 271 trường hợp hưởng theo quy định. Phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 497 Bà mẹ. Lập thủ tục đề nghị cấp 41 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 1.340 Bằng Tổ quốc ghi công. Cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người có công về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2014 - 2018, sửa chữa, xây mới là 7.849 căn, tổng kinh phí hơn 255 tỷ đồng, năm 2019 từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng, sửa chữa 442 căn nhà tình nghĩa, với tổng trị giá 15 tỷ đồng). Do có nhiều đóng góp trong công tác ông Mã Chí Thanh đã được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2019; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017; được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen giai đoạn 2015 - 2020.
Có thể nói, những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác đã tạo nên sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước của Ngành, thể hiện qua kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng như: Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; giáo dục nghề nghiệp cho trên 1,8 triệu người; đưa khoảng trên 120 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài trong mỗi năm, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch. Phong trào Đền ơn, đáp nghĩa trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội; 96% số xã, phường trong cả nước làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. Tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp, đến cuối năm 2019 có khoảng 2,7 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 1.000 người so với năm 2015.
Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em. Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản vượt kế hoạch đề ra: đến cuối năm 2019 có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến do ngành tổ chức góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là phong trào thi đua liên kết thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của Ngành như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, đã trở thành động lực to lớn cổ vũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động vươn lên lập nhiều thành tích trong quá trình công tác, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn Ngành và xã hội./.
Hà Giang