Lao động
Hội thảo cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
06:55 PM 19/11/2018
(LĐXH)- Sáng 19/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH và Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động – TBXH), Trưởng nhóm lao động, Đoàn đàm phán TPP cho biết: Phải tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động để phù hợp với một số nội dung của CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Trong số những điều khoản cần sửa đổi theo đúng trình tự, thủ tục, Việt Nam cần khoảng thời gian từ 3 - 5 năm để điều chỉnh sửa đổi Bộ luật Lao động cũng như các quy định pháp luật đi kèm. Cùng với đó là việc nâng cao năng lực thực thi, nhận thức cho công chúng và doanh nghiệp, tổ chức bộ máy thực thi hiệu quả. Việc sửa đổi Bộ luật Lao động hiện nay là rất phù hợp với lộ trình Việt Nam tham gia CPTPP”.
Các nguyên tắc và tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể, cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP và FTA với EU, vấn đề lao động… Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương vừa được Quốc hội thông qua đã cho biết những cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP. Chương Lao động của CPTPP nêu rõ cam kết chung của các thành viên trong Hiệp định và cam kết riêng của Việt Nam.
Đại diện các đơn vị chủ trì hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận về nâng cao chất lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một đòi hỏi mang tính cấp thiết. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng lực lượng lao động còn giúp tăng năng suất của nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội và giảm thiểu rủi ro, thách thức từ hội nhập.
Theo đánh giá, các hiệp định tự do thế hệ mới mang lại những cơ hội to lớn về việc làm, mà trước hết là cơ hội có thêm nhiều việc làm, việc làm có chất lượng cao. Dự báo nhiều ngành của Việt Nam có cơ hội đến với các thị trường dễ dàng hơn, trong đó giày dép, dệt may, nông sản… tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp thách thức trong thu hút và giữ nhân tài. Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao, vì thiếu sự hấp dẫn của tiền lương và môi trường, điều kiện làm việc. Những vị trí việc làm tốt, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI dễ rơi vào lao động nước ngoài, bởi họ luôn có lợi thế về ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp và tác phong công nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế phát biểu khai mạc hội thảo
Để tận dụng cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hiệp định thương mại thế hệ mới này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, thì một trong các nhân tố quan trọng là nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam.

PV