Pháp luật
Hỏi - Đáp các qui định về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
01:59 PM 13/04/2019
(LĐXH) Để giúp quý độc giả tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản của các qui định về quản lý, cấp phép đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH) thông tin, giải đáp những thắc mắc về các quy định về lĩnh vực này.



Hỏi:  Công ty chúng tôi đang chuẩn bị giấy tờ để làm Giấy phép lao động cho người nước ngoài. Tuy nhiên do người thân của người lao động nước ngoài này bị tai nạn, đang phải điều trị tích cực tại bệnh viện ở Hàn Quốc nên người lao động nước ngoài không thể sắp xếp thời gian vào Việt Nam để chuẩn bị các giấy tờ. Vì vậy, Công ty đã yêu cầu người lao động nước ngoài đó chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại Điều 10 Nghị định  11/2016/NĐ-CP và tiến hành làm hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này.
Trong quá trình chuẩn bị, Công ty gặp vướng mắc như sau:
Theo Khoản 6, Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP, người lao động nước ngoài phải cung cấp: "Bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật".
Công ty hiểu quy định này nghĩa là người lao động nước ngoài chỉ cần chuẩn bị bản sao có chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự các trang hộ chiếu nên đã yêu cầu người lao động nước ngoài đi công chứng và làm hợp pháp hóa lãnh sự toàn bộ các trang hộ chiếu.
Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến của một bên tư vấn luật cũng như của các công ty đối tác từng làm Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài thì Công ty TNHH KBL Việt Nam nhận được tư vấn là phải nộp cả bản sao có chứng thực hộ chiếu và tờ visa còn hạn của Việt Nam.
Nếu như vậy thì người lao động nước ngoài bắt buộc phải nhập cảnh vào Việt Nam mới có visa còn hạn để xin cấp Giấy phép lao động.
Vậy, nội dung của Khoản 6, Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP phải hiểu như thế nào? Cách hiểu nêu trên của Công ty có đúng không?
Công ty TNHH KBL Việt Nam (Hà Nội)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6, Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện, đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lao động phải có bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Công ty chúng tôi có lao động nước ngoài đã ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 2 lần, mỗi lần 2 năm, theo đúng yêu cầu của giấy phép lao động.
Khi ký kết lần 3, Công ty cần ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 2 năm hay hợp đồng lao động không xác định thời hạn?
Công ty TNHH DIGI-TEXX Việt Nam (TPHCM)
Trả lời: Theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm.
Khoản 3, Điều 174 Bộ luật Lao động quy định, giấy phép lao động hết hiệu lực khi nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp./.