Xã hội
Đoàn đại biểu Thủ đô thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào: Nơi có 246 liệt sỹ quê quán Hà Nội
07:49 AM 02/07/2020
(LĐXHH)- Thấm nhuần đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), từ ngày 29/6 - 1/7, đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).
Đoàn do ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Hà Nội làm trường đoàn cùng các thành viên đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô, Hội Cựu chiến binh thành phố, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Sở Lao động - TBXH...
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sỹ
Thay mặt đoàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Nguyễn Quốc Khánh thành kính đặt vòng hoa tươi thắm trước Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Vòng hoa mang dòng chữ “Thành ủy – HĐND - UBND – Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ”. Cùng với đó là thắp nén tâm hương tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu của mình để đất nước có được cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Ngay sau khi các đại biểu lên thắp hương trên tượng đài, thành viên trong đoàn đã xuống phía dưới xếp thành hàng ngang kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ – những người con ưu tú của quê hương đất nước đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Nguyễn Quốc Khánh thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
Trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, trong giây phút xúc động, Phó Giám đốc Sở Lao động - TBXH Nguyễn Quốc Khánh, thành kính: Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước được độc lập.
Thành phố Hà Nội là Thủ đô của cả nước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua luôn làm tốt các chính sách với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với các mạng. Đồng thời, có nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng nâng cao đời sống cả về vật chất cũng như tinh thần. Hiện nay, đời sống các hộ thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng của Hà Nội cơ bản đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi dân cư cư trú.
Các thành viên trong đoàn tỏa đi thắp hương lên từng mộ liệt sỹ
Trong không gian yên bình và linh thiêng, các đại biểu tỏa đi thắp hương trên các phần mộ anh hùng liệt sĩ trong Nghĩa trang cũng như tìm hiểu thông tin về nơi này.
Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào được xây dựng từ năm 1976 nằm yên bình giữa trung tâm thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn). Nghĩa trang được thiết kế thành 2 khu A và B, có diện tích rộng gần 7ha. Đến nay, Nghĩa trang tiếp nhận khoảng 11.000 phần mộ liệt sĩ của cán bộ, chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia quân sự từng tham gia chiến đấu và hy sinh trên các chiến trường Lào.
Các liệt sĩ có quê hương ở nhiều vùng miền như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương... trong đó có 246 liệt sĩ quê quán Hà Nội. Hiện nay, trong Nghĩa trang liệt sĩ Việt – Lào vẫn còn 560 mộ chưa có tên liệt sĩ.

Lê Hoàng