Kinh tế
Đại hội đồng cổ đông VPBank 2024: Đề ra mục tiêu lợi nhuận hợp nhất hơn gấp đôi năm trước, bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị
03:02 PM 30/04/2024
(LĐXH)- Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được tổ chức vào ngày 29/4/2024 tại Hà Nội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã nhất trí thông qua tờ trình kế hoạch kinh doanh 2024, chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và bầu bổ sung hai thành viên vào Hội đồng Quản trị.
Tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết: Năm 2023, Ngân hàng gặp khó về thu nhập, lợi nhuận nhưng không dừng đầu tư vào nền tảng, hệ sinh thái để chuẩn bị bứt phá. Ngân hàng thực hiện được thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường tài chính khi bán vốn cho SMBC. Điều này đem lại cho VPBank gần 1,5 tỷ USD, củng cố nền tảng vững chắc cho ngân hàng trong giai đoạn phát triển tiếp theo khi nền kinh tế phục hồi.
Cùng với đó, Ngân hàng đã tiến hành củng cố nền tảng tăng trưởng, không ngừng mở rộng hệ sinh thái khách hàng. Trong đó, hệ sinh thái khách hàng mẹ đạt hơn 13 triệu khách hàng, tăng 4 triệu. Một loạt đầu tư của ngân hàng cho công nghệ, quản trị rủi ro được tăng cường. 
Trong 2 năm 2022-2023, VPBank là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng lớn nhất thị trường. VPBank đạt được quy mô dư nợ, huy động, khách hàng nằm trong top ngân hàng cổ phần lớn nhất.

Lãnh đạo VPBank trong phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Tại ĐHĐCĐ, các cổ đông đã nhất trí với mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận. Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024.
Đại hội cũng đã thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.
Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của VP Bank.
5 định hướng tăng trưởng chính cho năm 2024 của VP Bank là:
Thứ nhất chú trọng vấn đề chất lượng tài sản. Mặc dù ảnh hưởng từ 2023 chưa hết, khó khăn từ bất động sản chưa nguôi nhưng VPBank vẫn nhìn thấy được những cơ hội, từ việc Chính phủ hỗ trợ thị trường, cầu – cung có khả năng phục hồi. Tuy nhiên đến nay VPBank tỏ ra hết sức thận trọng khi tăng trưởng quý 1/2024 trung bình chưa phải cao. Nửa cuối 2024 sẽ là thời điểm cầu trên thị trường phục hồi dần, có thể mức độ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2025 nhưng vẫn lạc quan để chuẩn bị cho sự tăng trưởng đó.
Thứ hai, đồng bộ tất cả phân khúc khách hàng. Trọng tâm là phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân và SME tăng trưởng khoảng 25-30%. Bên cạnh đó, VPBank tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI được đánh giá là nhiều tiềm năng, dự kiến gấp đôi số lượng khách hàng và hơn 4 lần quy mô huy động, cho vay làm sao đưa phân khúc FDI trở thành những trụ cột tương lai của VPBank. 
Thứ ba, đẩy mạnh các chiến lược phát triển bền vững. VPBank xác định xu hướng từ Chính phủ, thế giới về tín dụng xanh (ESG) đi theo hướng đạt bền vững, định hướng hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hỗ trợ công đồng người yếu thế trong xã hội. 
Thứ tư,  xây dựng, củng cố nền tảng công nghệ, số hóa, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu. 
Thứ năm là thúc đẩy hệ sinh thái, mở rộng các giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua hệ sinh thái số, nắm bắt được các cơ hội phát triển và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong hệ sinh thái.

Ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung là 2 tân thành viên HĐQT của VPBank.

Trong đó VPBank quan tâm hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư, hỗ trợ nhà tiêu dùng, hỗ trợ giao dịch bất động sản... 
Cũng tại Đại hội, các cổ đông cũng đã bỏ phiếu tán thành việc bổ sung thêm hai thành viên mới vào Hội đồng Quản trị, là ông Takeshi Kimoto và bà Phạm Thị Nhung.
Ông Takeshi Kimoto có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại Ngân hàng SMBC, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản. Trước khi được bầu vào Hội đồng Quản trị VPBank, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Phát triển thị trường châu Á của SMBC (Singapore) và SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, ông cũng là Thành viên Ban Giám sát, Ngân hàng PT Bank BTPN Tbk tại Indonesia, một công ty con của SMBC.
Bà Phạm Thị Nhung đã có nhiều năm gắn bó và đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại VPBank. Hiện bà đang là Phó Tổng Giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc Khối Quản lý đối tác và Quan hệ đối ngoại tại ngân hàng.
Ngân hàng cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2024 – quý 1/2025. Mục đích phát hành nhằm cấp tín dụng cho các phương án, dự án, nhu cầu tài trợ đáp ứng tiêu chí xanh và xã hội, đủ điều kiện theo khung trái phiếu bền vững của VPBank.
VPBank cũng trình cổ đông xem xét phương án chuyển giao bắt buộc đối với một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại yếu kém. Tại thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc (về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu) không cao hơn 5% so với quy mô tương ứng của Ngân hàng VPBank tại thời điểm 31/12/2023. Đồng thời, vốn điều lệ của tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc không quá 5.000 tỷ đồng. VPBank cho biết, sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do Ngân hàng VPBank là chủ sở hữu, là pháp nhân độc lập.
Ngân hàng VPBank sẽ mua, bán tài sản/nợ/trái phiếu doanh nghiệp với tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giá trị giao dịch trên 20% vốn điều lệ của Ngân hàng VPBank./.
Thảo Lan