Xã hội
Chung tay hỗ trợ để trẻ khuyết tật tiếp cận đầy đủ các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
11:56 AM 18/04/2024
(LĐXH) - Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận có 160.293 trẻ dưới 16 tuổi, chiếm 23,9% tổng dân số, trong đó có 1.176 trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động vui chơi, thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, tiếp cận giáo dục…

Trên cơ sở Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch số 5591/KH-UBND ngày 27/12/2018 việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025. Thực hiện Đề án, ngoài việc tiếp cận giáo dục, trẻ khuyết tật còn được quan tâm bằng nhiều chính sách, hoạt động thiết thực. Đến nay 100% trẻ được hưởng chính sách trợ cấp xã hội; được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Các em thường xuyên được tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm và giúp tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, phục hồi chức năng.

Nhân dịp kỉ niệm 26 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, trẻ khuyết tật được hỗ trợ nhiều hoạt động vui chơi, tham quan miễn phí

Để giúp đỡ, bảo vệ, chăm sóc trẻ khuyết tật, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở, nhằm đánh giá các vấn đề liên quan đến trẻ khuyết tật như: Trợ giúp các em tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc giáo dục tại cộng đồng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; chi trả các chế độ bảo đảm đúng thời gian, đúng chế độ. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai tập huấn và cung cấp kiến thức, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ trẻ khuyết tật cho cán bộ làm công tác trẻ em. Đồng thời, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết, Ngày Người khuyết tật (18/4), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6) cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, động viên các em có thêm ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Điểm nổi bật trong công tác người khuyết tật ở tỉnh Ninh Thuận là địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ việc tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 03 cơ sở chuyên tổ chức dạy học cho các đối tượng khuyết tật, trẻ tự kỷ, tiêu biểu là các hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Ninh Thuận (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo). Đơn vị có chức năng trong việc phát hiện trẻ khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; thực hiện các biện pháp can thiệp sớm dành cho người khuyết tật; tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng; cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh dành sự quan tâm và có buổi làm việc trực tiếp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh

Năm học 2023-2024, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy 76 học sinh/6 lớp; trong đó, có 13 học sinh khuyết tật trí tuệ, 11 học sinh khiếm thính, 13 học sinh tự kỷ, 14 học sinh khuyết tật nặng trên 7 tuổi và 15 trẻ can thiệp sớm. Các em ở đây có độ tuổi nhập học khác nhau, các dạng tật khác nhau, mức độ tật và tâm sinh lý của học sinh đặc biệt phát triển không đồng đều; đa số trẻ chưa được quan tâm để được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kĩ năng học tập, khả năng tiếp thu kiến thức cũng như giao tiếp hạn chế.

Vừa qua, ngày 16/4, đồng chí Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh về tình hình hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Trung tâm. Tại buổi làm việc, Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu tạo điều kiện di dời Trung tâm về thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trong thời gian chờ phê duyệt kiến nghị nêu trên, Trung tâm kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành tạo điều kiện hỗ trợ Trung tâm sửa chữa các hạng mục cơ sở vật chất vì đã xuống cấp; tăng biên chế cho Trung tâm theo quy định của Nhà nước; đồng thời, có cơ chế đặc thù để cấp kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm

Đại diện các Sở ban ngành chia sẻ khó khăn trong triển khai công tác người khuyết tật, nhất là đối với công tác giáo dục trẻ khuyết tật

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của Trung tâm. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lựa chọn địa điểm để chuyển Trung tâm về thành phố; làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để nắm bắt quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tranh thủ sự hỗ trợ; phối hợp xây dựng danh mục đầu tư công giai đoạn tới; quan tâm bổ sung thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất, rà soát bổ sung biên chế cho Trung tâm... Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Trung tâm cần đẩy mạnh công tác truyền thông tạo sự lan tỏa, thu hút các nguồn đầu tư, sự quan tâm của xã hội đối với công tác chăm lo, hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật – nhóm trẻ vốn đã gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, các em cũng là một phần của xã hội, cũng phải được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội để có điều kiện phát triển tốt diện nhất. /.

Đăng Doanh