Xã hội
1.754.000 trẻ em đang bị cưỡng bức lao động và làm các công việc trái quy định pháp luật tại Việt Nam
03:36 PM 01/12/2016
(LĐXH) Đó là số liệu trích dẫn tại buổi ''Hội thảo hướng dẫn thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020'' diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/12 tại Nhà khách La Thành, số 218 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Chủ trì Hội thảo là bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, ông Ted Osius, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Jesper Moller, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam, ông Chang- Hee Lee, Giám đốc Văn phòng tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam. Ngoài ra còn có sự tham dự của các đại biểu tới từ Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Cục Văn hóa du lịch, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,.... cùng các tổ chức quốc tế và tư nhân khác.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh trẻ em là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam, của toàn xã hội và mỗi gia đình. Bởi vậy, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật và kí các Công ước quốc tế để bảo vệ quyền trẻ em nói chung và giảm thiểu lao động trẻ em nói riêng. Trong đó, Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 là việc cụ thể hóa các giải pháp của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó có mục tiêu 8.7 liên quan đến lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Điều này cho thấy nỗ lực của Đảng và Chính phủ trong việc cải thiện đời sống cho trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em trong những năm gần đây.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn đang là vấn đề toàn cầu mang tính thách thức đối với Việt Nam. Theo ông Jesper Miller, Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam, 9,6% trẻ em Việt Nam từ 14 đến 17 tuổi bị bắt đi lao động sớm và chịu tổn thương do bạo lực, lạm dụng tình dục, lao động cưỡng bức... 1,3 triệu LĐTE đang phải làm việc trong những nghề cấm sử dụng LĐTE hoặc điều kiện lao động có hại cho sức khỏe. Ông Miller cho rằng đây mới chỉ là một phần số lao động trẻ em so với thực tế do sự thiếu hụt về dữ liệu và thông tin về những hình thức bóc lột trẻ em khác.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự đói nghèo, nhận thức còn kém, chưa tiếp cận được các chính sách bảo về trẻ em của các gia đình và sự thiếu hiểu biết của người sử dụng lao động. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập; chưa phổ biến được đầy đủ đến các địa phương khái niệm và cách xác định lao động trẻ em cũng gây nhiều khó khăn cho việc giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam.
Tại hội thảo, đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ/ ngành; đại diện đến từ các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, công đoàn, các hiệp hội, các tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em sẽ cùng chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; thảo luận thống nhất về khái niệm, cách xác định lao động trẻ em và trẻ em tham gia lao động phù hợp với quy định của pháp luật, các giải pháp thực hiện chương trình và việc lập kế hoạch triển khai chương trình tại các địa phương với sự tham gia của các cơ quan, ban ngành liên quan.

Minh Ngọc